Đô thị hóa Bình Dương – Nơi đất lành hội tụ

(Xây dựng) – Sau 25 năm tái lập, đến nay Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 82% với một đô thị loại 1 là thành phố Thủ Dầu Một, 4 đô thị loại III, 5 đô thị loại V. Cùng đó là hàng loạt dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư nâng cấp mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung tạo nên bộ mặt đô thị khang trang.

Đảm bảo các tiêu chuẩn trong các tiêu chí về phân loại đô thị và kết nối vùng giữa các đô thị, giữa Bình Dương với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là tiền đề để Bình Dương triển khai đề án thành phố thông minh giai đoạn 2021 – 2025, trọng tâm là vùng đổi mới sáng tạo.

Nâng cấp đô thị – Sức khỏe nền kinh tế

Quá trình đô thị hóa nhanh là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển của một nền kinh tế, xã hội. Bình Dương có 3 thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30 km.

Với gần 2,7 triệu dân, Bình Dương là tỉnh có dân số đông thứ 6 trong cả nước và cũng là tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao do có nhiều người nhập cư (trên 50% dân số). Năm 2020, Bình Dương xếp thứ ba cả nước về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu nhập bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng/năm.

Trong tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương tại đô thị Thủ dầu Một.

Để thu hút và đáp ứng được người nhập cư vào địa phương, tỉnh Bình Dương đã có những “bài giải” thấu đáo cho các đô thị của mình. Năm 2016, Bình Dương triển khai Đề án thành phố thông minh, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Đến năm 2018, Bình Dương trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và là thành viên của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF). Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21) trong 2 năm liên tục 2019 và 2020. Không những vậy, giai đoạn này, tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương diễn ra rất nhanh, nhiều đô thị mới phát triển hiện đại.

Tháng 1/2020, Dĩ An và Thuận An được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là những đô thị trẻ có nhiều lợi thế phát triển khi nằm giáp ranh với Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Bình Dương có một đô thị loại 1 là thành phố Thủ Dầu Một, 4 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên) và 5 đô thị loại V (Thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).

Đô thị Thủ Dầu Một hiện hữu.

Đó là kết quả của công tác quản lý, phát triển đô thị được lãnh đạo các cấp của Bình Dương chút trọng chỉ đạo theo từng giai đoạn, thể hiện qua việc tập trung lập và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bình Dương, các chương trình phát triển đô thị cho các đô thị. Đây là cơ sở để các địa phương, sở, ngành tổ chức thực hiện đảm bảo tuân thủ theo các quy hoạch được duyệt, lập đề án nâng loại cho các đô thị và cũng là cơ sở để định hướng, xác định các khu vực phát triển đô thị, khu vực chỉnh trang…

Qua đó, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức xã hội hoá và đối tác công tư, huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư các công trình phúc lợi công cộng; tiếp tục triển khai Đề án thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là vùng đổi mới sáng tạo.

Hạ tầng – Đánh thức vị thế của Bình Dương

Với quyết tâm đổi mới và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã có những bước đột phá về đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế và đô thị theo hướng thông minh, văn minh, hiện đại.

Quốc lộ 13 và tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn đã kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía bắc giúp cho “huyết mạch” hàng hóa của Bình Dương được thông thoáng. Đây cũng là tuyến đường đảm nhận các nhiệm vụ giao thông đối nội và đối ngoại, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều dự án logistics có quy mô lớn như IDC Tân Cảng – Sóng Thần, U&I nhằm góp phần trung chuyển hàng hoá đến các đầu mối giao thông.

Đường Mỹ Phước Tân Vạn những ngày đầu xây dựng.

Những công trình này là kết quả của tầm nhìn chiến lược “giao thông đi trước đón đầu” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ. Theo đó, đô thị Bình Dương được xác định không gian, khu vực phát triển đô thị ưu tiên để tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, chú trọng đảm bảo kết nối và hỗ trợ phát triển giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung, tạo nên bộ mặt khang trang của đô thị. X

ây dựng các công trình giao thông kết nối với các dự án cảng sông, ga hàng hoá đường sắt, các công trình chống ngập đô thị, phát triển và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng; các trục giao thông mang tính liên kết Vùng kết nối Bình Dương với các tỉnh thành trong Vùng được Tỉnh quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Những điều còn dang dở

Không bằng lòng với những kết quả hiện hữu, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn trăn trở với những việc chưa hoàn thành như mong muốn và nhìn nhận rằng còn rất nhiều khó khăn đến từ chủ quan và khách quan.

Theo đó, chương trình Phát triển đô thị Quốc gia chưa được điều chỉnh, Quy hoạch tỉnh Bình Dương đang được lập; đồng thời, các địa phương đang trong quá trình rà soát, điều chỉnh các Quy hoạch chung đô thị, lập mới các quy hoạch vùng huyện. Do vậy chưa đủ cơ sở để đề xuất, định hướng và tổ chức lập các chương trình Phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị cho toàn tỉnh Bình Dương đối với giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Từ đó, dẫn đến chưa đủ cơ sở để lập các Chương trình phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện cho từng đô thị thuộc tỉnh Bình Dương như: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên.

Bên cạnh đó, việc triển khai khu vực phát triển đô thị theo trình tự thủ tục còn nhiều vướng mắc, chồng chéo so với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, vv…. Các văn bản hướng dẫn luật hiện nay không còn phù hợp, cần sớm chỉnh sửa, bổ sung các quy định về trình tự thủ tục, cách thức triển khai, kế hoạch, kinh phí thực hiện phù hợp với tình hình địa phương.

Một góc đô thị Thuận An.

Các khu vực phát triển đô thị được đề xuất trong chương trình phát triển đô thị đa phần được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Do đó, cần một đơn vị có chức năng đứng ra tổ chức thực hiện công tác phát triển đô thị theo quy định yêu cầu. Tuy nhiên, việc thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định sẽ khó thực hiện được do vướng quy định về thành lập mới đơn vị sự nghiệp.

Với những kế hoạch cụ thể và tầm nhìn xa, cùng những bước đi vững chắc, Bình Dương sẽ còn nhiều bứt phá ngoạn mục để các đô thị phát triển bền vững, là vùng “đất lành” thu hút nhân tài từ bốn phương để cùng nhau đưa Bình Dương tiếp tục là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

                                                                                                                                    Nguồn baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *